Thị trường dầu mỏ đang có dấu hiệu “ấm dần”
Với sự nỗ lực của Chính phủ các nước trong việc hỗ trợ, kích thích kinh tế hậu dịch Covid-19 cũng như tín hiệu lạc quan từ việc nghiên cứu vắc-xin Covid-19, bức tranh kinh tế toàn cầu những tháng gần đây đang có dấu hiệu khởi sắc. Tuy nhiên, những khó khăn, thách thức đặt ra đối với triển vọng phục hồi kinh tế toàn cầu vẫn vô cùng lớn.
Dịch Covid-19 vẫn đang là tác nhân lớn nhất đe dọa làm chậm quá trình phục hồi kinh tế, trong khi đó, căng thẳng trong quan hệ giữa Mỹ – Trung Quốc được cảnh báo có thể kéo theo một cuộc chiến thương mại mới. Cùng với đó là một loạt các vấn đề về lạm phát, nợ Chính phủ, lũ lụt ở Trung Quốc… Tất cả những nhân tố này tiếp tục là những mối đe dọa thường trực đối với các hoạt động kinh tế, qua đó gián tiếp tác động tiêu cực đến nhu cầu năng lượng, trong đó có các sản phẩm của dầu thô trên thị trường.
Cụm mỏ Sư Tử Trắng |
Mặc dù vậy, triển vọng phục hồi kinh tế toàn cầu những tháng còn lại của năm 2020 và năm 2021 cũng đang ghi nhận nhiều tín hiệu lạc quan. Đó là nhiều loại vắc-xin Covid-19 đang được phát triển và dự kiến sẽ được sản xuất thương mại vào đầu năm 2021, qua đó góp phần ngăn chặn, đẩy lùi dịch Covid-19. Sự mở cửa trở lại của các nền kinh tế lớn như Mỹ, EU, Nhật Bản… sẽ giúp tái khởi động, hàn gắn lại chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng toàn cầu… Và chính nhân tố này đang hỗ trợ giá dầu phục hồi trong thời gian gần đây.
Ở trong nước, dưới tác động của làn sóng thứ 2 dịch Covid-19, hầu hết các chỉ số kinh tế cơ bản của nền kinh tế đều đạt mức tăng trưởng rất thấp so với nhiều năm trở lại đây, thậm chí có chỉ số ghi nhận ở mức tăng trưởng âm.
Giá dầu Brent trung bình tháng 8/2020 đạt khoảng 44,79 USD/thùng (tăng khoảng 3% so với trung bình tháng 7). Cùng xu hướng với giá dầu thô thế giới, giá các mặt hàng xăng tăng khoảng 2-3% so với trung bình tháng 7. Xu thế ấm lên của thị trường dầu thô được dự báo sẽ tiếp tục được duy trì trong thời gian tới khi bên cạnh các yếu tố tích cực về triển vọng phục hồi kinh tế giúp cải thiện nhu cầu dầu, thị trường dầu thô cũng ghi nhận những tín hiệu tích cực từ phía cung. Đó là việc OPEC+ sẽ cắt giảm sản lượng bổ sung khoảng 2,3 triệu thùng/ngày trong tháng 8 và 9; sản lượng khai thác của Mỹ vẫn ở mức thấp 10,7 triệu thùng/ngày…
Các kỹ sư BSR kiểm tra vỏ thiết bị trao đổi nhiệt sau khi tháo để bảo dưỡng trong đợt bảo dưỡng tổng thể Nhà máy Lọc dầu Dung Quất lần thứ 4. |
Tận dùng cơ hội để đẩy mạnh sản xuất
Theo dự báo của Moody’s, giá dầu trung hạn ở mức 45-65 USD/thùng với điều kiện các quốc gia thành viên OPEC+ tiếp tục thực hiện nghiêm túc cam kết cắt giảm sản lượng trong vòng ít nhất 2 năm, nhu cầu tiêu thụ năng lượng sẽ tăng dần theo nhịp phục hồi kinh tế toàn cầu (phụ thuộc nhiều vào diễn biến dịch bệnh Covid-19). Mặt khác, Moody’s cảnh báo tăng nguồn cung một khi giá dầu thế giới vượt mốc 50 USD/thùng, mặt khác, nếu phát hiện ra vắc – xin hiệu quả dẫn đến phục hồi kinh tế nhanh chóng, giá dầu trong thời gian ngắn có thể vượt lên trên mốc 65 USD/thùng.
Trước diễn biến như trên, và trên cơ sở đánh giá, dự báo các kịch bản phục hồi kinh tế, để tiếp tục duy trì, giữ vững nhịp độ sản xuất kinh doanh, đảm bảo thực hiện tốt nhất các chỉ tiêu, kế hoạch đề ra, thời gian qua, PVN vẫn đang quyết liệt triển khai, thực hiện đồng bộ Gói giải pháp ứng phó với cuộc “khủng hoảng kép” trong toàn Tập đoàn. Chính nhờ có sự chủ động, linh hoạt này, mặc dù kinh tế thế giới cũng như trong nước có nhiều biến động, tác động tiêu cực đến ngành công nghiệp Dầu khí nhưng 8 tháng đầu năm 2020, PVN vẫn đạt nhiều kết quả sản xuất kinh doanh ấn tượng.
Người lao động PVFCCo kiểm tra thiết bị vận hành Nhà máy Đạm Phú Mỹ |
Cụ thể, tổng sản lượng khai thác quy dầu tháng 8 đạt 0,92 triệu tấn quy dầu, vượt 109,5 kế hoạch tháng; tính chung 8 tháng đạt 7,76 triệu tấn quy dầu, đạt 108,2% kế hoạch 8 tháng. Sản xuất điện tháng 8 đạt 1,28 tỷ kWh, tính chung 8 tháng đạt 14,03 tỷ kWh, bằng 96,9% kế hoạch 8 tháng. Sản xuất đạm tháng 8 đạt 116 nghìn tấn bằng 83,65% kế hoạch tháng; tính chung 8 tháng đạt hơn 1, 176 triệu tấn, bằng 104,8% kế hoạch 8 tháng. Sản xuất xăng dầu tháng 8 đạt 841,7 nghìn tấn, bằng 109,7% kế hoạch tháng; tính chung 8 tháng đạt hơn 8,2 triệu tấn, bằng 93,3 % kế hoạch 8 tháng.
Sở dĩ nhiều lĩnh vực sản xuất bị giảm sản lượng so với tháng 7 và không đạt kế hoạch tháng là do tháng 8/2020, các đơn vị như BSR, PVCFC tiến hành bảo dưỡng nhà máy nên kế hoạch sản lượng của hai đơn vị này giảm tương ứng với số ngày dừng bảo dưỡng. Ngoài ra, tháng 8/2020 là thời điểm bắt đầu mùa mưa bão cho nên các đơn vị khai thác dầu khí, sản xuất sản phẩm đều chủ động điều chỉnh giảm công suất về mức an toàn, giảm sản lượng sản xuất để phù hợp với nhu cầu thị trường. Do đó, kế hoạch sản lượng khai thác dầu thô, điện, đạm cũng được điều chỉnh phù hợp dẫn đến kế hoạch tiêu thụ khí cũng giảm tương ứng (tháng 6,7 hàng năm là cao điểm nắng nóng nên nhu cầu điện huy động điện cao hơn các tháng khác trong năm).
Cùng với những kết quả khả quan từ sản xuất kinh doanh, giá dầu thô xuất bán của PVN trung bình tháng 8 là 47,5 USD/thùng, tăng khoảng 2,3 USD/thùng so với giá dầu tháng 7/2020 nhưng vẫn thấp hơn so với giá dầu kế hoạch năm 2020 là 60 USD/thùng.
Sau thời gian chấm dứt giãn cách xã hội lần 1 do dịch Covid 19, tình hình tiêu thụ sản phẩm của các đơn vị trong Tập đoàn cũng có đà tăng trở lại nên đã bù đắp một phần vào kết quả doanh thu của Tập đoàn, đặc biệt là tình hình tiêu thụ sản phẩm lọc hóa dầu của BSR, PV OIL và chi nhánh PVNDB trong tháng 6 và 7 của năm 2020.
Người lao động làm việc ở Nhà máy khí Nam Côn Sơn |
Với những kết quả trên, tổng doanh thu toàn PVN trong tháng 8/2020 đạt gần 41,613 tỷ đồng, lợi nhuận hợp nhất sau thuế đạt gần 1,368 tỷ đồng, nộp ngân sách 5,405 tỷ đồng. Tính chung 8 tháng doanh thu toàn Tập đoàn đạt hơn 372,308 tỷ đồng, nộp ngân sách Nhà nước hơn 44,818 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 11,369 tỷ đồng.
Nhận định triển vọng kinh tế thế giới và trong nước thời gian tới còn nhiều khó khăn, thách thức, tiềm ẩn nhiều rủi ro sẽ tiếp tục tác động tiêu cực đến toàn bộ chuỗi hoạt động của Tập đoàn, trong thời gian tới, thông qua việc quản trị chi phí sản xuất, giữ vững chất lượng sản phẩm nhằm tối thiểu hóa sự sụt giảm doanh thu và lợi nhuận, PVN sẽ tiếp tục triển khai các kế hoạch đã đề ra của gói giải pháp tác động kép dịch Covid-19 và giảm giá dầu thô. Mặt khác, các đơn vị trong Tập đoàn sẽ tiếp tục bám sát và triển khai tốt công tác tiết giảm chi phí đã đàm phán; tiếp tục xem xét tiết giảm/dừng giãn thanh toán/lùi thời gian thực hiện các chi phí sản xuất kinh doanh chưa cấp bách nhằm giảm giá thành sản phẩm về mức tối ưu.
Minh Loan – Thanh Ngọc