Ngành Dầu khí Việt Nam: Không ngừng lớn mạnh

1224 lượt xem
Việc xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 10 năm lần thứ 4 (đến năm 2030, tầm nhìn 2045), đặt ra nhiều yêu cầu cấp thiết, trong đó có việc xác định đúng tầm quan trọng của ngành dầu khí và đề ra giải pháp phù hợp để phát huy hơn nữa vai trò đầu tàu của ngành công nghiệp này trong công cuộc phát triển đất nước.

Thành tựu đổi mới

Có một sự trùng hợp ngẫu nhiên là năm 1986 – thời điểm Đảng ta khởi xướng công cuộc đổi mới cũng là năm Việt Nam khai thác được tấn dầu đầu tiên từ mỏ Bạch Hổ và chính thức ghi danh vào danh sách các nước sản xuất và xuất khẩu dầu mỏ trên thế giới. Sự trùng hợp này cho thấy, cả tư duy đổi mới, cũng như sự chuẩn bị cho việc hình thành ngành dầu khí Việt Nam đã phôi thai từ trước đó rất lâu, để cùng tạo nên dấu mốc trọng đại, tạo bước ngoặt cho sự phát triển đất nước. Nếu như tư duy đổi mới đã cởi trói, loại bỏ các rào cản, khơi dậy động lực cho phát triển, thì sự ra đời của ngành dầu khí là một trong những bước tiến mới trong phát triển KT – XH giai đoạn này.

Ngành Dầu khí Việt Nam: Không ngừng lớn mạnh

Đồng hành đất nước trong công cuộc đổi mới trong gần 35 năm qua, ngành dầu khí Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh, đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc bảo đảm an ninh năng lượng, gia tăng kim ngạch xuất khẩu, tạo nguồn thu ngoại tệ, đóng góp cho ngân sách nhà nước, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa – hiện đại hóa. Qua đó góp phần đưa nước ta ra khỏi tình trạng khủng hoảng và kém phát triển, trở thành nước có thu nhập trung bình trên thế giới. Hoạt động thăm dò khai thác dầu khí ở thềm lục địa cũng đã góp phần quan trọng bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển.

Về an ninh năng lượng, từ năm 1991 với sản lượng dầu khai thác được 3,96 triệu tấn, Việt Nam đã bắt đầu cân đối được nhập khẩu. Trong những năm gần đây, lĩnh vực công nghiệp khí đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp cho nền kinh tế, trong đó cho sản xuất điện quốc gia và cho các hộ tiêu dùng của cả nước.

Đối với ngân sách nhà nước, trong nhiều năm ngành dầu khí đóng góp cho tổng thu ngân sách của cả nước. Ngành công nghiệp mũi nhọn này cũng đã tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế, tăng trưởng GDP.

Những đóng góp của ngành dầu khí đối với sự phát triển đất nước qua các thời kỳ trong suốt 35 năm qua là hết sức to lớn. Tuy nhiên, cũng cần thẳng thắn nhìn nhận rằng, trong hoạt động của ngành dầu khí còn những tồn tại yếu kém và khuyết điểm nhất là trong công tác quản trị, điều hành sản xuất kinh doanh và trong đầu tư phát triển.

Tầm nhìn chiến lược

Chiến lược phát triển đất nước giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn 2045 đang được xây dựng và trình Đại hội XIII của Đảng thông qua. Thực trạng kinh tế – xã hội, bối cảnh trong nước và quốc tế đang đòi hỏi, đó phải là một chiến lược chỉ đường cho đất nước phát triển nhanh và bền vững, gắn với bảo đảm an ninh quốc phòng và chủ quyền quốc gia. Để thực hiện thành công các mục tiêu cơ bản đó, không thể thiếu sự đóng góp của ngành dầu khí.

Ngành dầu khí với tiềm năng to lớn và cơ sở vật chất kỹ thuật khá hiện đại, hoàn toàn có khả năng để tiếp tục đóng vai trò là ngành công nghiệp đầu tàu, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong thập kỷ tới. Đóng góp của ngành dầu khí cho nền kinh tế sẽ tùy thuộc vào sự lớn mạnh về quy mô, cũng như năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của toàn ngành. Điều này đỏi hỏi phải có sự nỗ lực to lớn và kịp thời của cả ngành dầu khí và cơ quan chức năng của Chính phủ.

Trước hết, ngành dầu khí phải thực hiện tái cấu trúc toàn diện PVN và các đơn vị thành viên, kiện toàn đội ngũ nhân sự lãnh đạo để nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh và năng lực cạnh tranh; giải quyết dứt điểm các dự án đầu tư kém hiệu quả, thua lỗ kéo dài; đẩy nhanh quá trình thoái vốn ngoài ngành để tập trung nguồn lực cho các dự án cấp bách trọng điểm… Bên cạnh đó, Nhà nước cần xác định rõ vai trò quan trọng của ngành dầu khí đối với công cuộc phát triển kinh tế và bảo vệ đất nước, từ đó hoàn chỉnh luật pháp và có cơ chế chính sách hợp lý tạo điều kiện cho ngành dầu khí phát triển, nhất là cơ chế chính sách về đầu tư, tài chính, lập quỹ và hỗ trợ rủi ro trong hoạt động thăm dò và khai thác.

Khó khăn, thách thức phía trước còn rất lớn, nhưng những gì đang diễn ra cho thấy ngành dầu khí Việt Nam đang chuyển mình sang trang mới với quyết tâm và hoài bão mới vì sự giàu mạnh của đất nước.

Theo Báo Đại biểu Nhân dân