Gia tăng trữ lượng dầu khí – Yếu tố sống còn (Bài 2)

1115 lượt xem
Nguồn tài chính cho hoạt động tìm kiếm, thăm dò dầu khí đang rất eo hẹp, mất cân đối trầm trọng giữa yêu cầu gia tăng trữ lượng và sản lượng khai thác, xảy ra hiện tượng “tiêu lạm vào dự trữ”. Cần làm gì để xóa bỏ hiện tượng này?

Bài 2: Không “tiêu lạm vào dự trữ”

Nhiều cản ngại lớn khó vượt qua

Hoạt động tìm kiếm, thăm dò dầu khí nhằm gia tăng trữ lượng là rất cần thiết đối với an ninh năng lượng quốc gia. Đây là hoạt động có đặc thù rất nhiều rủi ro. Tuy xác suất thành công ở Việt Nam thường tới 25-30% (cao hơn tỷ lệ bình quân trên thế giới), nhưng việc phân bổ nguồn tài chính cho hoạt động này hiện đang có nhiều vướng mắc. Để tháo gỡ vấn đề này, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã nhiều lần kiến nghị, đề xuất ban hành Quy chế quản lý tài chính Công ty Mẹ – PVN, nhưng sau nhiều năm, quy chế vẫn chưa được cấp thẩm quyền phê duyệt.

Gia tăng trữ lượng dầu khí - Yếu tố sống còn (Tiếp theo và hết)

Tổng công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí (PVEP) – doanh nghiệp chủ lực của PVN – hiện đang gặp vướng mắc lớn về nguồn vốn cho hoạt động tìm kiếm, thăm dò. Do tính chất các dự án tìm kiếm, thăm dò có nhiều rủi ro nên PVEP không thể vay vốn. Việc sử dụng vốn chủ sở hữu thông qua tăng vốn điều lệ cũng không phù hợp bởi khi dự án không thành công, PVEP sẽ không bảo toàn được vốn. Trong khi đó, hằng năm PVEP vẫn phải thực hiện các hoạt động tìm kiếm, thăm dò để bảo đảm mục tiêu gia tăng trữ lượng mà Chính phủ giao cho PVN/PVEP. Ngoài ra, với điều kiện giá dầu thấp như hiện nay, doanh thu không đủ bù đắp các khoản chi phí (bao gồm cả chi phí các dự án thăm dò không thành công) sẽ dẫn tới mất cân đối tài chính của PVEP.

Nói về tính đặc thù của ngành Dầu khí Việt Nam, TS Ngô Thường San, Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam, phân tích: Xác suất thành công của công tác tìm kiếm, thăm dò phụ thuộc vào mức độ phức tạp về địa chất và tiềm năng dầu khí của một bể trầm tích, một quốc gia. Kinh nghiệm ở Việt Nam là thường phải khoan 3-4 giếng mới phát hiện một mỏ có giá trị thương mại, tỷ lệ thành công cao hơn bình quân trên thế giới. Nhiều công ty nước ngoài mất hàng chục, hàng trăm triệu USD, nhưng phải chấp nhận thất bại, ra đi khỏi Việt Nam. Chi phí tìm kiếm, thăm dò không thành công cần phải được xem là chi phí rủi ro. Tuy nhiên, PVEP lại không được trích lập quỹ rủi ro thăm dò, nên các chi phí này biến thành nợ xấu, chịu lãi hằng năm.

Cùng với vấn đề hạn chế về quỹ rủi ro cho hoạt động tìm kiếm, thăm dò, việc tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực này hiện cũng đang gặp rất nhiều trở ngại.

Tính đến thời điểm 31-12-2018, có tổng số 40 nhà thầu ở trong và ngoài nước đang có hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí tại thềm lục địa Việt Nam. Trong đó có các công ty dầu khí lớn của thế giới và khu vực như ExxonMobil, Gazprom, Talisman, Petronas, PTTEP… Tuy nhiên, đó là các nhà thầu đã ký hợp đồng từ trước. Theo thống kê, từ năm 2016 đến nay, PVN chỉ ký được 2 hợp đồng dầu khí mới. TS Nguyễn Hồng Minh, Phó viện trưởng Viện Dầu khí Việt Nam cho biết: Thực tế những năm gần đây, PVN ký được rất ít hợp đồng dầu khí, khiến hoạt động tìm kiếm, thăm dò rất yếu, vốn đầu tư cho hoạt động này chỉ còn bằng 25% so với giai đoạn trước đây.

Mới đây, tại Hội thảo khoa học “Bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, vai trò của ngành Dầu khí”, Chủ tịch HĐTV PVN Trần Sỹ Thanh cũng thừa nhận: Trước đây, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào lĩnh vực thăm dò, khai thác dầu khí trung bình 2 tỉ USD/năm, hiện nay mỗi năm chỉ còn khoảng vài trăm triệu USD. Trong khi đó, chính sách liên quan đến dầu khí ngày càng thắt chặt khiến nhà đầu tư e ngại.

Nhiều nội dung trong Luật Dầu khí và nhiều văn bản dưới luật không còn phù hợp với thực tiễn đang được xem là tạo những “điểm nghẽn” của dòng vốn ngoại đối với hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí. Cụ thể, những quy định về hợp đồng dầu khí hiện hành (ban hành kèm theo Nghị định số 33/2013/NĐ-CP ngày 22-4-2013 của Chính phủ) kém hấp dẫn so với các nước trong khu vực, không thu hút được các nhà đầu tư nước ngoài (điều khoản về ổn định tại hợp đồng dầu khí mới chỉ quy định liên quan đến thuế tài nguyên, thuế xuất khẩu và thuế thu nhập doanh nghiệp). Luật Dầu khí hiện hành cũng chưa có các chính sách ưu đãi phù hợp đối với các dự án phát triển mỏ nhỏ, mỏ cận biên, dự án khai thác tận thu và dự án đầu tư cho mục đích nâng cao hệ số thu hồi dầu.

Vấn đề xung đột giữa các văn bản pháp lý liên quan đến hoạt động dầu khí biến thành những “rào cản” lớn đối với nguồn lực đầu tư cho tìm kiếm, thăm dò dầu khí đã được nêu ra tại nhiều diễn đàn trong thời gian gần đây.

Lời giải nào cho bài toán an ninh năng lượng?

Để thúc đẩy phát triển ngành Dầu khí theo tinh thần của Nghị quyết 41-NQ/TW, ngày 23-7-2015 của Bộ Chính trị, việc tạo cơ chế đặc thù cho hoạt động tìm kiếm, thăm dò gia tăng trữ lượng dầu khí là hết sức quan trọng, cấp thiết. Nếu như việc tìm kiếm thăm dò bị chững lại thì mục tiêu gia tăng trữ lượng dầu khí khó đạt được, đồng nghĩa với an ninh năng lượng quốc gia bị đe dọa.

PVN đã nhiều lần khẳng định, sẽ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện kế hoạch tìm kiếm, thăm dò, gia tăng trữ lượng dầu khí. Quá trình tìm kiếm, thăm dò sẽ tiếp tục được lựa chọn tại những khu vực ưu tiên để nâng cao hiệu quả hoạt động tìm kiếm, thăm dò. Tuy nhiên, để bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, hằng năm, trữ lượng cần phải được gia tăng từ 25-30 triệu tấn dầu quy đổi. Để thực hiện được mục tiêu đó, PVN rất cần Chính phủ phê duyệt một cơ chế tài chính đặc thù cho công tác tìm kiếm, thăm dò dầu khí.

Thực tế, Luật Dầu khí đã được ban hành và thực thi suốt 26 năm qua, là nhân tố quyết định làm nên những thành công “từ không đến có” của ngành Dầu khí. Tuy đã được sửa đổi nhưng trước những biến động liên tục của ngành công nghiệp dầu khí toàn cầu và diễn biến phức tạp của thị trường dầu khí thế giới vốn rất nhạy cảm, những bất cập của Luật Dầu khí đang là trở lực lớn đối với hoạt động của ngành Dầu khí. Chính vì vậy, việc sửa đổi, hoàn thiện Luật Dầu khí, loại bỏ rào cản, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho ngành Dầu khí, trở nên vô cùng cấp thiết. Việc cập nhật và điều chỉnh các quy định về hợp đồng dầu khí theo hướng thu hút đầu tư, có tham khảo các nước trong khu vực có cùng môi trường đầu tư cũng cần được nhanh chóng thực hiện.

Ngoài ra, cần bổ sung các cơ chế đặc thù cho mỏ nhỏ, mỏ suy giảm sản lượng và đối tượng nâng cao thu hồi dầu để khuyến khích nhà đầu tư bỏ vốn hoặc tiếp tục đầu tư khai thác dầu khí tại những mỏ này.

Ông Nguyễn Văn Phúc – nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội: “Hiện có nhiều lô dầu khí ở những khu vực dễ khai thác đã và đang được khai thác. Vì vậy, muốn gia tăng trữ lượng phải tìm kiếm, thăm dò ở những vùng nước sâu, địa bàn khó khăn hơn. Điều này đồng nghĩa với việc cần phải có nguồn vốn đầu tư rất lớn. Để có nguồn vốn đầu tư cần có cơ chế chính sách ưu đãi, hỗ trợ, phải sửa đổi chính sách liên quan đến các vấn đề như thuế, phí thì mới thu hút được nhà đầu tư vào khai thác ở những vùng nước sâu và vùng khó khăn.

Luật Dầu khí ra đời từ năm 1993, sửa đổi bổ sung gần đây nhất là năm 2008, đến nay đã gần 10 năm. Với chừng ấy thời gian, nhiều quy định của Luật Dầu khí không còn phù hợp với sự phát triển của ngành Dầu khí trong bối cảnh hiện nay, trong đó có vấn đề tìm kiếm, thăm dò để gia tăng trữ lượng. Đây cũng chính là vấn đề an ninh năng lượng quốc gia”.

Minh Lê