Chuyện tìm dầu ở tầng đá móng (Kỳ III)

1261 lượt xem

Từ vị trí người làm thuê, người học việc, nay đội ngũ người dầu khí đã làm chủ được tất cả những công nghệ hiện đại nhất trong tìm kiếm, thăm dò, khai thác và chế biến dầu khí. Chúng ta đã xây dựng được một chu trình khép kín từ tìm kiếm – thăm dò – khai thác – tàng trữ – vận chuyển và chế biến sâu.

Thời gian bây giờ đã lùi xa. Ngành dầu khí Việt Nam mà chủ lực là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã có những những bước tiến khổng lồ.
Từ vị trí người làm thuê, người học việc, nay đội ngũ người dầu khí đã làm chủ được tất cả những công nghệ hiện đại nhất trong tìm kiếm, thăm dò, khai thác và chế biến dầu khí. Chúng ta đã xây dựng được một chu trình khép kín từ tìm kiếm – thăm dò – khai thác – tàng trữ – vận chuyển và chế biến sâu.
Về sự kiện tìm thấy dầu trong tầng đá móng, không thể không nhắc tới một người, đó là ông Ngô Thường San, Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới, nguyên Phó Tổng Giám đốc Vietsovpetro giai đoạn đó và sau này là Tổng Giám đốc Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam. Hiện nay ông là Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam.
Ở tuổi ngoài 80, nhưng ông còn cực kỳ minh mẫn. Ông vẫn tham gia giảng dạy, vẫn tham gia giúp Tập đoàn Dầu khí Việt Nam nghiên cứu về nhiều vấn đề quan trọng của Tập đoàn.
Tôi không thể nào quên được vào năm 1986, lần đầu tiên tôi được nhìn thấy ông. Đó là một hôm tôi được ra ngoài cảng của Vietsovpetro chụp ảnh… Giữa bộn bề sắt thép, tôi thấy có một nhóm cán bộ của ta và Liên Xô (ngày ấy không gọi người Nga như bây giờ mà chỉ gọi là Liên Xô) đang tranh luận việc gì đó rất hăng. Chúng tôi lại gần và thấy hai cán bộ Việt Nam nói chuyện với các chuyên gia Liên Xô bằng tiếng Nga khá thoải mái. Nghe họ nói, tôi phục lắm và cũng thấy tự hào. Anh cán bộ bảo vệ giới thiệu với tôi rằng: “Người đang nói là ông Ngô Thường San, Phó Tổng Giám đốc Liên doanh. Ông ấy giỏi lắm, nói tiếng Nga như tiếng Việt. Mà ở đây chỉ có ông ấy dám cãi nhau với chuyên gia Liên Xô thôi”. Anh nói xong rồi lôi tôi đi ngay. Câu nói ngắn ngủi của anh về ông San làm tôi rất ấn tượng. Ngày ấy, trong con mắt của chúng tôi, ai mà có thể nói chuyện được với “Tây” trực tiếp, không cần phiên dịch thì thực là đáng kính nể. Mà người lại còn dám tranh luận với “Tây” thì lại còn đáng kính nể hơn nữa.
Chuyện tìm dầu ở tầng đá móng (Kỳ III)
Khai thác dầu khí tại mỏ Bạch Hổ

Sau lần được “nhìn” thấy đó, 24 năm sau, vào tháng 11/2010 tôi mới được gặp ông, lúc này ông đã nghỉ và là Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam. Tôi gặp ông để trình bày về việc xin xuất bản tờ Báo Năng lượng Mới. Với vẻ lịch lãm, cách nói rất ngắn gọn, cụ thể, mang tác phong của một nhà khoa học, ông đã thực sự thu hút tôi. Và bây giờ tôi mới hiểu được thế nào là một người “hưu” nhưng không “hắt”. Ông vẫn thường xuyên vào Nam ra Bắc để chủ trì các cuộc họp của Hội Dầu khí, tham gia giảng dạy, tham gia các buổi hội thảo về khoa học… Tôi có cảm giác rằng, ông đang hối hả làm việc, ông đang cướp lấy thời gian. Sau này, khi tôi đặt vấn đề với một số lãnh đạo của Liên doanh Dầu khí Vietsovpetro để viết về những ngày đầu của Liên doanh, đặc biệt là từ năm 1984 đến 1990 thì ai cũng nói với tôi rằng: “Anh muốn biết rõ cứ hỏi bác San”. Nhưng khi tôi đặt vấn đề với ông thì ông lại ngại và giới thiệu tôi sang gặp những người khác. Cuối cùng, tôi cũng đã thuyết phục ông dành cho tôi một buổi. Nhưng rồi tôi cũng thất vọng bởi lẽ trong buổi làm việc đó hầu như ông chỉ kể về những kỷ niệm của ông với những chuyên gia Liên Xô và các đồng nghiệp. Dường như ông chỉ muốn đóng vai trò mình là người chứng kiến chứ không phải là một người đã có những đóng góp nhất định, quan trọng đối với sự nghiệp phát triển của Vietsovpetro cũng như ngành Dầu khí Việt Nam sau này.

Ông San vốn là học sinh miền Nam tập kết ra Bắc và được đưa đi học ở Liên Xô từ khi còn đang học cấp 3 (lớp 9 ngày ấy). Ông học một năm dự bị rồi được đưa đi học trung cấp, sau lên Đại học Địa chất và vào Khoa Tìm kiếm mỏ. Mãi đến năm 1962 ông làm về đề tài kiến tạo địa chất miền Bắc, năm 1963 ông sang Ủy ban Khoa học Kỹ thuật Nhà nước, rồi lại được cử đi làm nghiên cứu sinh ở Liên Xô. Thật ra ngày ấy ông cũng chẳng thích thú gì chuyện đi học ở Liên Xô, bởi lẽ ông cũng như rất nhiều học sinh miền Nam, ra Bắc chỉ mong ngóng được trở về miền Nam chiến đấu giải phóng quê hương. Nhưng những cán bộ phụ trách đã “lên lớp” cho ông rằng, đi học cũng là một nhiệm vụ. Học giỏi cũng như đã chiến đấu giỏi. Thấm nhuần mục tiêu ấy nên ông và nhiều anh em khác lao vào học ngày, học đêm và họ cảm thấy xấu hổ nếu như không được điểm cao. Nhưng thật không may cho ông, năm 1964 do phong trào chống chủ nghĩa xét lại của Liên Xô (cũ) nên ông và nhiều sinh viên khác phải về nước, đặc biệt là các sinh viên nghiên cứu một số ngành nghề trong đó có dầu khí.

Trở về nước ông công tác tại Ủy ban Khoa học Nhà nước, kết hợp công tác với Đoàn địa chất 36, đóng quân ở vùng trũng An Châu, khu vực Sơn Động, tỉnh Bắc Giang. Đến năm 1971, ông được quay trở về Ủy ban Khoa học Nhà nước.
Và năm 1972 có một sự kiện khiến ông không thể nào quên. Đó là đồng chí Bí thư thứ nhất Trung ương Đảng Lê Duẩn gọi ông lên giao nhiệm vụ nghiên cứu địa chất miền Nam. Tài liệu về dầu khí thì chẳng có gì ngoài một số tờ báo tiếng Pháp, tiếng Anh. Có những bài viết về tình hình thăm dò dầu khí ở miền Nam. Đồng chí Lê Duẩn yêu cầu phải tiếp cận nghiên cứu về tiềm năng dầu khí ở miền Nam. Qua những tài liệu ít ỏi đó, ông thấy hoạt động thăm dò dầu khí ở miền Nam rất nhộn nhịp bởi các hãng như Mobil, BP, nhưng việc nghiên cứu cũng chẳng đi đến đâu, bởi tài liệu thì ít… Năm 1975 Sài Gòn giải phóng, vào tháng 6 đồng chí Phạm Hùng đã xin Ủy ban Thống nhất đưa ông vào miền Nam. Thế là ông Ngô Thường San cùng ông Đào Duy Chữ là cán bộ Ủy ban Kế hoạch Nhà nước và ông Vũ Trọng Đức cán bộ của Tổng cục Hóa chất đáp máy bay IL18 vào Sài Gòn rồi đến tiếp quản trụ sở Tổng cuộc Dầu hỏa và Khoáng sản của chế độ Sài Gòn cũ. Qua những tài liệu của chế độ cũ để lại, ngày 25/7, ông cùng ông Hồ Đắc Hoài đã có báo cáo sơ bộ về tiềm năng dầu mỏ ở miền Nam Việt Nam. Ông và ông Nguyễn Văn Biên, lúc ấy là Tổng cục trưởng Tổng cục Dầu mỏ được đồng chí Lê Duẩn gọi đến báo cáo trực tiếp với Bộ Chính trị. Ngày 3/9, Tổng cục Dầu mỏ Khí đốt Việt Nam ra đời, ông Nguyễn Văn Biên được cử làm Tổng cục trưởng, ông Lê Văn Cử là Tổng cục phó. Ông San lúc này quân số thuộc Viện Khoa học Việt Nam nhưng lại làm ở bên Tổng cục Dầu mỏ Khí đốt. Thấy làm việc theo kiểu “quân vay tướng mượn” thế này chán quá, ông bèn lên gặp Giáo sư Trần Đại Nghĩa và xin chuyển về Tổng Công ty Dầu khí.

Qua tài liệu thăm dò mà các hãng nước ngoài để lại thì từ tháng 4/1974, Hãng Mobil đã khoan và phát hiện ra dầu ở Bạch Hổ 5 (tầng Bạch Hổ 5, sau này Vietsovpetro gọi là tầng 23). Thời chế độ Sài Gòn, các hãng nước ngoài thăm dò dầu khí ở vùng thềm lục địa đã chia ra từng lô và đặt tên các lô theo truyền thống của mỗi nước. Hãng Mobil thì có thói quen đặt lô theo tên thú dữ, nào là Bạch Hổ, Đại Hùng, rồi Sói, rồi Rồng… Hãng Shell thì lại lấy tên những dòng sông, nào là Trà Giang, nào là Sông Ba… Hãng BP lại lấy tên các loài hoa phong lan như Lan Tây, Lan Đỏ… Hãng Mobil phát hiện ra dầu và khuyếch trương rất lớn. Báo chí Sài Gòn thời đó đã ví: “Dầu của Trung Đông so với Việt Nam thì không khác nào con tem dán trên lưng con voi?!”. Thông tin về có dầu ở Bạch Hổ đã trở thành quan trọng đến mức mà hồi ấy các đoàn công tác của chúng ta đi nước ngoài, tới đâu cũng giới thiệu tiềm năng dầu khí ở Bạch Hổ. Thậm chí còn mang sang cả Trung Đông giới thiệu với Kuwait, Iraq.

Ông San không thể nào quên được một kỷ niệm, đó là lần ông cùng với ông Nguyễn Xuân Trúc, ông Đồng Hải được cử đi công tác ở Kuwait, với nhiệm vụ tìm kiếm khả năng hợp tác. Theo tiêu chuẩn đi công tác ở Trung Đông, cán bộ như ông được 25 cent một ngày, nếu là hàm Vụ trưởng thì được du di nâng lên Thứ trưởng để hưởng tiêu chuẩn 45 cent. Cả đoàn đi được Nhà nước cấp cho 1.000 đôla nhưng toàn tiền có mệnh giá 1 và 2 đôla. Số tiền ấy được bó thành bốn cục như hòn gạch. Sang đến Kuwait, được họ sắp xếp cho ở khách sạn Sheraton, là một khách sạn 5 sao vô cùng lộng lẫy. Cả đoàn sợ hãi vì không biết lấy tiền đâu ra để mà trả nên đành phải ăn bánh mì và uống nước máy. May mắn làm sao sáng hôm sau, nhân viên của Tập đoàn Dầu khí Kuwait thông báo với đoàn rằng, mọi việc ăn ở của đoàn ở đây được họ đài thọ. Ông và mọi người thở hắt ra, nhẹ nhõm. Nhưng chuyến đi thất bại bởi Quỹ đầu tư Arập hứa cho Việt Nam vay tiền nhưng lại không được đầu tư vào dầu khí mà phải đầu tư cho nông nghiệp…

Từ sau năm 1976, Tổng cục Dầu khí thấy cần phải hợp tác với một số nước tư bản bởi họ có kinh nghiệm khai thác ở ngoài biển. Đồng chí Đinh Đức Thiện được cử về phụ trách dầu khí và ngay từ lúc ấy ông đã đặt ra yêu cầu là khai thác dầu khí với tư bản, nhưng phải bảo vệ được chủ quyền biển đảo quốc gia. Năm 1977, ta ký hợp tác thăm dò với một loạt các công ty như AGIP, Total, CFP, Deminex… Các hãng này cũng bỏ tiền bỏ của ra khoan thăm dò mấy giếng nhưng giếng có, giếng không và một thời gian sau họ lẳng lặng rút đi. Sau này mới biết, họ chuyển sang hợp tác với Trung Quốc, với những hợp đồng có điều kiện ưu đãi hơn. Thế là từ năm 1979, Đảng, Nhà nước quyết định hợp tác toàn diện với Liên Xô để thăm dò và khai thác dầu khí ở vùng đặc quyền kinh tế trên vùng biển Việt Nam.

Nói về những ngày này ông San bồi hồi nhớ lại: “Thời ấy cũng đã có người nói rằng, Liên Xô lừa Việt Nam để nhằm lấy tài nguyên của Việt Nam. Nhưng họ không biết rằng, hằng năm Liên Xô phải viện trợ cho Việt Nam một triệu tấn dầu. Mà dầu chở từ Liên Xô sang, đường sá xa xôi, chi phí cực kỳ tốn kém. Đã có một thời gian dài, Liên Xô phải bỏ tiền ra mua dầu ở Iraq rồi chuyển cho Việt Nam. Chính vì vậy, Đảng và nhân dân Liên Xô đã thay đổi quan điểm chiến lược, đó là: Phải giúp Việt Nam phát triển ngành công nghiệp dầu khí, đó là cách cho “cần câu” chứ không cho “cá”. Vì không muốn cho “cá” nên Liên Xô quyết định đầu tư cho ngành dầu khí Việt Nam và nêu khẩu hiệu: “Làm ở Việt Nam xuất phát từ mệnh lệnh của trái tim”. Liên Xô đưa các cán bộ của Ủy ban Kế hoạch Nhà nước, Thứ trưởng Bộ Công nghiệp Khí sang Việt Nam và thành lập Liên doanh Vietsovpetro”.

Vậy việc tìm thấy dầu trong tầng đá móng, có phải là “ăn may” không, ông Ngô Thường San khẳng định : “Làm gì có chuyện “ăn may”. Đúng là cũng có chút may mắn, bởi lẽ khoan thăm dò, khai thác dầu khí là chứa đựng rất nhiều rủi ro. Thế thì bên cạnh sự rủi ro luôn thường trực thì cũng có khi gặp may. Theo tôi, may mắn trong việc tìm thấy dầu trong tầng đá móng chiếm chỉ khoảng 20%. Cái may mắn ở đây là sự quyết tâm của chúng tôi khi tin tưởng ở tầng đá móng có dầu. Sự tin tưởng này là có cơ sở dựa trên những phát hiện trước đấy chứng minh được có dầu trong đó. Chúng ta lúc đó cũng ở trong tình thế bắt buộc phải khai thác nếu không giàn đó cũng bỏ không, rất lãng phí, bắt buộc phải tìm những tầng dầu mới để phát triển khai thác.

Nếu chỉ là nhờ “ăn may”, thì chắc chắn Nhà nước đã không trao Giải thưởng Hồ Chí Minh cho cụm công trình khoa học “Tìm kiếm, phát hiện và tổ chức khai thác có hiệu quả các thân dầu trong đá móng granitoit trước Đệ Tam bể Cửu Long, thềm lục địa Việt Nam” – Hay chúng ta cứ hay gọi tắt là “công trình tìm ra dầu trong tầng đá móng”.

Ông giải thích thêm: “Dầu trong móng nứt nẻ dưới 2 dạng, một dạng là trong đá trầm tích, lâu nay người ta vẫn khai thác, trong dạng đá granit (đá móng), thì nó cũng có tồn tại ở vài nơi, nhưng cực kỳ hiếm và chẳng ai nghĩ đến việc khai thác dầu ở đây. Nhưng xây dựng phương pháp luận và hệ phương pháp hoàn chỉnh như ở Vietsovpetro để khai thác dầu trong tầng đá móng, với hệ số thu hồi dầu lên tới 40% thì đó là một thành tựu khoa học địa chất dầu khí của Việt Nam. Chúng ta phải thấy rằng, khi phát hiện dầu khí thì vừa có rủi ro, vừa có may mắn nhưng phải nói việc tìm ra dầu trong tầng đá móng là một suy nghĩ khoa học của những người làm địa chất và công nghệ Vietsovpetro. Đây là kết quả của hệ thống nghiên cứu và phát hiện của chúng ta trước đây. Tôi lấy ví dụ Deminex khi họ khoan qua đá móng và chúng tôi cũng phát hiện được có những biểu hiện dầu nhưng khi trình bày với họ để thử vỉa thì quan điểm từ trước đến nay dầu không tồn tại trong những đá magma và do đó họ không lưu tâm. Do đó, khi chúng tôi ngay cả ở mỏ Bạch Hổ có lần gặp Công ty Mobil, chúng tôi đã khẳng định giếng Bạch Hổ – 1X trước đây của họ khai thác đã phát hiện dầu nhưng họ không kiên trì, không thử vỉa nên đã bỏ qua một trữ lượng dầu rất lớn mà hiện nay Vietsovpetro đã tiến hành khai thác.

Đây là một phát hiện hoàn toàn mới, trong tìm dầu người ta hay nói là sự nhạy bén của những người địa chất, ở đây có thể nói tìm được dầu là do sự nhạy bén của tập thể những người làm địa chất Vietsovpetro. Tôi có thể khẳng định rằng, trong tầng móng, có nhiều người cũng nói là “khoan mò”, trong những văn bản quyết định chúng tôi phải khoan qua tầng móng 150m đầu tiên”.

(còn tiếp)
Nguyễn Như Phong