Để có một ngành dịch vụ dầu khí phát triển mạnh, là một ngành kinh tế mũi nhọn trong hoạt động dầu khí, đội ngũ cán bộ, kỹ sư làm dịch vụ dầu khí thời kỳ đầu đã phải trải qua vô vàn những khó khăn, gian khổ. Báo Năng lượng Mới giới thiệu bài viết của ông Lê Quang Trung – nguyên Giám đốc Xí nghiệp Dịch vụ Dầu khí Vũng Tàu, để giúp mọi người hiểu rõ hơn về những năm tháng đó.
Những ngày đầu gian khó
Ngay sau thắng lợi của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, từ ngày 5-5-1975, Tổng cục Địa chất cử đoàn cán bộ vào tiếp quản tài liệu dầu khí của Tổng cục Dầu hỏa và Khoáng sản thuộc chính quyền Sài Gòn. Trên cơ sở tài liệu có được, Đoàn ra báo cáo với Chính phủ, xác nhận thềm lục địa miền Nam Việt Nam có dầu khí.
Cảng Vietsovpetro giai đoạn 1981-1985
Ngày 3-9-1975, Tổng cục Dầu khí được thành lập và ngày 27-11-1975, Công ty Dầu khí Nam Việt Nam thuộc Tổng cục Dầu khí ra đời, trụ sở đóng tại 27-28 Bến Bạch Đằng – Sài Gòn. Cùng lúc, Đoàn Dầu khí 21 và Đoàn Địa vật lý 22 được thành lập để khảo sát địa chất, địa vật lý ở Đồng bằng sông Cửu Long và miền Đông Nam Bộ.
Từ năm 1976, Bộ Chính trị có chủ trương triển khai các hoạt động dầu khí ở miền Nam Việt Nam, do sau hơn 30 năm chiến tranh, đất nước còn khó khăn, khả năng tiến hành hoạt động dầu khí trên biển của chúng ta chưa có cả về nhân lực, tài chính và trang thiết bị, nên chủ trương phải hợp tác với nước ngoài, ký kết hợp đồng phân chia sản phẩm dầu mỏ và khí đốt Việt Nam với các công ty dầu khí nước ngoài, cụ thể là Bow Valley (Canada), Deminex (CHLB Đức), Agip (Italia).
Để triển khai các hoạt động dầu khí ngoài biển phải có dịch vụ dầu khí trên bờ và cầu cảng chuyên dụng để tiếp nhận thiết bị, vật tư, hàng hóa cung cấp nhiên liệu, nước sạch cho các tàu khảo sát địa vật lý và khoan tìm kiếm, thăm dò trên biển. Do Vũng Tàu chưa có căn cứ dịch vụ dầu khí nên các công ty nước ngoài phải sử dụng các dịch vụ dầu khí ở Singapore vừa xa nơi hoạt động, vừa chi phí cao, điều này còn bất lợi cho chúng ta vì phải mất ngoại tệ trong lúc đất nước còn nhiều khó khăn và mất chủ quyền của nước chủ nhà. Nắm bắt nhanh nhu cầu thiết yếu đó, Tổng cục Dầu khí đã sớm cho triển khai công tác chuẩn bị thiết lập căn cứ dịch vụ hậu cần trên bờ tại Vũng Tàu.
Ngày 27-11-1976, sau đúng 1 năm thành lập Công ty Dầu khí Nam Việt Nam, Ban Kiến thiết căn cứ dịch vụ dầu khí Vũng Tàu được thành lập trực thuộc Công ty Dầu khí Nam Việt Nam.
Ngày 12-4-1978, Xí nghiệp Dịch vụ dầu khí thuộc Công ty Dầu khí Nam Việt Nam ra đời, bao gồm: Văn phòng, tổ định vị trực tại các trạm định vị Kê Gà, đảo Phú Quý, tỉnh Thuận Hải (nay là Bình Thuận); tổ cơ khí; tổ quản lý cảng; đội bốc xếp gồm 42 người, phần lớn là bộ đội chuyển ngành và một tàu kéo “Côn Đảo” 1.000 CV dùng để lai dắt tàu hàng ra vào cảng. |
Để làm được cầu cảng cho tàu vào nhận vật tư, thiết bị, nhiên liệu và nước sạch, Ban Kiến thiết đã liên hệ với Công ty Comex của Pháp đề nghị xây dựng cầu cảng. Phía Comex đưa ra ý kiến muốn xây dựng cầu cảng dài 105m và rộng 25m phải mất 1 năm với giá 25 triệu USD. Không chấp nhận thời gian và giá tiền quá lớn đó, Ban Kiến thiết đề nghị Tổng cục Dầu khí báo cáo Chính phủ cho Việt Nam tự làm. Công trình được Liên hiệp Công trình giao thông 6 (Cienco 6) thi công. Sau đúng 100 ngày đêm, cầu cảng dài 105m, rộng 25m hoàn thành vào ngày 30-9-1977 phục vụ tàu khảo sát địa vật lý của Công ty Geco vào tiếp nhận vật tư, thiết bị, nhiên liệu, nước sạch tại cầu cảng.
Để làm tốt công tác dịch vụ cho các công ty dầu khí Agip, Deminex, Bow valley, ngày 12-4-1978, Xí nghiệp Dịch vụ dầu khí thuộc Công ty Dầu khí Nam Việt Nam ra đời, bao gồm: Văn phòng, tổ định vị trực tại các trạm định vị Kê Gà, đảo Phú Quý, tỉnh Thuận Hải (nay là Bình Thuận); tổ cơ khí; tổ quản lý cảng; đội bốc xếp gồm 42 người, phần lớn là bộ đội chuyển ngành và một tàu kéo “Côn Đảo” 1.000 CV dùng để lai dắt tàu hàng ra vào cảng.
Ngày 1-1-1979, tàu hàng Shanghai-Maru cập cảng chở 4.500 tấn cần khoan, ống chống cho Công ty Agip và 6.000 tấn hàng hóa các loại cho Công ty Deminex, hệ thống tháp lặn từ Na Uy cho Trường Công nhân kỹ thuật Dầu khí Bà Rịa. Do chưa có kinh nghiệm lai dắt tàu lớn, nên xí nghiệp phải mời thuyền trưởng tàu lai dắt cảng Sài Gòn xuống hướng dẫn và hỗ trợ thuyền trưởng tàu Côn Đảo. Dù phần lớn công nhân bốc xếp là bộ đội chuyển ngành chưa có kinh nghiệm, nhưng với tinh thần “anh bộ đội Cụ Hồ”, họ đã hoàn thành việc bốc dỡ đúng thời hạn, được thuyền trưởng tàu Shanghai-Maru khen ngợi.
Bộ trưởng Đinh Đức Thiện cùng các đồng chí cán bộ ngành Dầu khí Việt Nam đi tìm địa điểm xây dựng căn cứ trên bờ phục vụ khai thác dầu khí (1980)
Trong 3 năm (1978-1980), Xí nghiệp Dịch vụ dầu khí đã xếp dỡ, lưu kho và vận chuyển hàng hóa cho các tàu dịch vụ khoan tìm kiếm dầu khí ngoài thềm lục địa cho 3 công ty Agip, Deminex, Bow Valley hàng vạn tấn cần khoan, ống chống, vật tư thiết bị, cung cấp hàng chục ngàn m3 nước, hàng ngàn tấn dầu và thực phẩm để Công ty GeCo thực hiện khảo sát hơn 19.000 khu địa chấn cho tàu Iskatel, Poisk của Liên đoàn địa vật lý viễn đông Liên Xô, thực hiện hàng ngàn KM-tuyến theo hợp đồng với Xí nghiệp Liên doanh Dầu khí Việt Xô phục vụ các công ty Agip, Deminex, Bow Valley khoan 12 giếng khoan với tổng chiều sâu 35.000m, trong đó các giếng khoan của Agip, Deminex gặp dầu và khí.
Chuyên gia Liên Xô và cán bộ Việt Nam cùng chỉ đạo xây dựng cảng Vietsovpetro năm 1981
Mặc dù thời gian này lương thực của tỉnh Đồng Nai cấp cho CBCNV trên 70% là bo bo, sắn khô, ngô hột và cả chuối xanh, nhưng những người làm dịch vụ dầu khí vẫn luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Có một câu chuyện vui thú vị, đó là một cặp vợ chồng mới học từ Liên Xô về, khi sinh con đầu lòng cũng đặt tên cháu là Bo Bo để kỷ niệm một thời làm dầu khí ở Vũng Tàu trong những năm đất nước còn thực hiện chế độ bao cấp.
Kết thúc giai đoạn tập sự của dịch vụ dầu khí biển, các nhà quản lý, các nhà chuyên môn và người lao động làm dịch vụ dầu khí đã trưởng thành một bước, chuẩn bị cho giai đoạn phát triển dịch vụ dầu khí khó khăn hơn, đa dạng hơn.
Từng bước vượt khó đi lên
Cuối năm 1981, Công ty Dầu khí II (từ năm 1978, để thuận tiện cho việc phối hợp, điều hành các hoạt động dầu khí ngoài thềm lục địa với Agip, Deminex, Bow Valley, Công ty Dầu khí Nam Việt Nam chuyển về Vũng Tàu và đổi tên thành Công ty Dầu khí II) ngừng hoạt động. Để chuẩn bị các dịch vụ phục vụ Xí nghiệp Liên doanh dầu khí Việt Xô và các công ty dầu khí khác, Tổng cục Dầu khí chuyển Xí nghiệp Dịch vụ Dầu khí về trực thuộc Tổng cục Dầu khí.
Để phục vụ việc bốc dỡ, vận chuyển hàng hóa, kể cả loại siêu trường, siêu trọng, xí nghiệp đã thuê cẩu Dũng Sỹ (Butzb), sức cẩu 1.200 tấn, cẩu Suđôpatdom 400 tấn, trên bờ được bổ sung 2 cẩu Tadano 90 tấn và 45 tấn của Nhật, 2 xe nâng 1,5 tấn và 3 ôtô tải Kamaz.
Tháng 12-1981, chuyến tàu đầu tiên chở hàng từ Liên Xô sang cảng dầu khí Vũng Tàu, hàng hóa gồm ôtô các loại. Các chuyến tàu tiếp theo liên tiếp cập cảng gồm hàng vạn tấn xi măng, sắt thép, các thiết bị văn phòng, điều hòa nhiệt độ, tủ lạnh từ Liên Xô đưa sang để phục vụ hoạt động của bộ máy điều hành của Xí nghiệp Liên doanh Việt-Xô và các doanh nghiệp thành viên để xây dựng các khu kho, bãi lắp ráp giàn khoan, bến cảng và khu nhà ở cho chuyên gia Liên Xô và gia đình họ.
Tháng 12-1981, chuyến tàu đầu tiên chở hàng từ Liên Xô sang cảng dầu khí Vũng Tàu, hàng hóa gồm ôtô các loại. Các chuyến tàu tiếp theo liên tiếp cập cảng gồm hàng vạn tấn xi măng, sắt thép, các thiết bị văn phòng, điều hòa nhiệt độ, tủ lạnh từ Liên Xô đưa sang để phục vụ hoạt động của bộ máy điều hành Xí nghiệp Liên doanh Việt Xô và các doanh nghiệp thành viên để xây dựng các khu kho, bãi lắp ráp giàn khoan, bến cảng, khu nhà ở cho chuyên gia Liên Xô và gia đình họ. |
Hàng hóa liên tục chuyển từ Liên Xô sang cảng dầu khí Vũng Tàu vì thời gian này ở Việt Nam chưa có điều kiện cung cấp các mặt hàng đó cho Xí nghiệp Liên doanh Việt-Xô, kể cả các loại bóng đèn và các loại rau quả, thực phẩm để cung cấp cho cửa hàng 525 chuyên phục vụ cho người Liên Xô. Một phong trào lao động được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Liên đoàn Lao động đặc khu Vũng Tàu – Côn Đảo phát động với khẩu hiệu “Tất cả vì sự nghiệp dầu khí Việt Nam”. Căn cứ dịch vụ cảng dầu khí Vũng Tàu hoạt động suốt ngày đêm.
Để giải phóng tàu nhanh, Xí nghiệp Dịch vụ Dầu khí ký hợp đồng với ông Tư Thố nấu cơm cho số lao động làm việc 3 ca tại cảng, đến bữa ăn, bộ phận nhà ăn ông Tư Thố phải đưa cơm ra tận cầu cảng cho anh em ăn tại chỗ. Tôi giao cho anh Nguyễn Mạch giải quyết công việc hằng ngày của cơ quan, còn tôi và anh Nguyễn Quảng Thọ hầu như suốt ngày có mặt ngoài cầu cảng, vừa tham gia chỉ đạo bốc dỡ hàng, vừa động viên, ăn cơm cùng anh em công nhân. Khí thế lao động ở căn cứ dịch vụ cảng dầu khí Vũng Tàu lúc nào cũng tấp nập. Tôi nhớ một lần do bao xi măng cũ, nhiều khi công nhân bốc bị vỡ, anh Nguyễn Quang Thọ đã trực tiếp xuống hầm tàu chỉ đạo anh em để giảm thiểu các bao xi măng bị vỡ, đến khi anh lên bờ, đầu anh bạc trắng xi măng, mắt anh đỏ hoe, quần áo bám đầy bụi xi măng. Tôi đề nghị anh về tắm rửa nghỉ ngơi, nhưng anh không chịu, nhờ anh em phủi bụi xi măng và lại làm việc tiếp.
Mặc dù ngày 31-12-1983, tàu khoan Mikhain Mirchin mới khoan giếng khoan Bạch Hổ BH.5 và đến 24-5-1984 mới phát hiện dòng dầu công nghiệp, nhưng ngay từ cuối năm 1981 đầu năm 1982, các cấu kiện chân đế giàn khoan cố định đã được chuyển từ Liên Xô sang cảng dầu khí Vũng Tàu để lắp ráp giàn khoan. Chuyến tàu đầu tiên không cập cảng Vũng Tàu mà đậu ngay tại Ghềnh Rái, cách cảng Vũng Tàu 10km. Vì là lần đầu tiên bốc dỡ các cấu kiện kim loại có trọng lượng lớn lại xa bờ cảng 10km, đích thân ông Đ.G.Mameđov – Tổng giám đốc và ông E.X.Xaturov, Phó tổng giám đốc phụ trách vật tư vận tải, cùng tôi, anh Nguyễn Quang Thọ và đội bốc xếp đi chiếc xà lan và tàu kéo Côn Đảo ra tận nơi bốc hàng. Lúc mới ra, ông Đ.G.Mameđov chưa tin anh em Việt Nam lắm, nên ông làm việc với thuyền trưởng để hỗ trợ và dặn dò chúng tôi rất kỹ, đặc biệt ông quan tâm đến an toàn lao động cho người và hàng hóa.
Niềm vui khi thấy được dầu
Tuy nhiên, khi thấy anh Thọ, anh Hiển và anh Bình chỉ huy đưa cấu kiện đầu tiên từ tàu lên xà lan, ông có vẻ mừng rỡ và tin tưởng anh em. Thấy công nhân Việt Nam nhỏ con, nhưng rất nhanh nhẹn, làm việc 3 ca không nghỉ, cơm thì chủ yếu là bo bo, ngô độn, ông điện cho cửa hàng 525 phục vụ người Liên Xô đem bánh mì, bơ sữa, thịt nguội ra cho anh em công nhân Việt Nam, có lẽ đó là bữa ăn ngon nhất mà những người công nhân Việt Nam lúc ấy được ăn. Vì thế, sau khi ăn uống no nê, nghỉ ngơi, anh em lại bắt tay vào công việc với tinh thần hăng say hơn. Hàng siêu trường, siêu trọng vào cảng ngày càng nhiều, bốc hàng từ xà lan ra bãi cũng nhiều, trong khi trên bãi chưa có loại cẩu lớn để chuyển hàng từ bờ cảng vào bãi cho bộ phận xây lắp, lắp ráp giàn khoan.
Tôi bàn với anh Nguyễn Quang Thọ, Nguyễn Đức Hiển, Đỗ Minh Hòa – kỹ sư cơ khí tìm cách vận chuyển các cấu kiện có trọng lượng lớn vào bãi lắp ráp, vừa để giải phóng cầu cảng vừa để tiếp tục đưa các cẩu kiện khác từ tàu lên bờ đúng hẹn.
Sau khi tính toán, bàn bạc, chúng tôi đưa ra quyết định dùng 2 cẩu và 1 xe Platfooc để vận chuyển cấu kiện lớn, phương pháp là dùng 2 cẩu cùng nâng cấu kiện lên, xe Platfooc lui vào hạ cấu kiện lên xe, nhưng nếu đặt hẳn lên xe thì xe không chịu nổi trọng tải sẽ vỡ lốp và sụp xe. Vì thế, khi hạ cấu kiện thì 2 cẩu vẫn phải giữ để đỡ một phần trọng lượng cho xe. Một người chỉ huy 2 cẩu và xe cùng chuyển động đều sẽ đưa được cấu kiện vào bãi. Khi đã thảo luận xong phương án, tôi lên báo cáo ông E.X.Staturov – Phó tổng giám đốc phụ trách vật tư vận tải. Sau khi nghe xong, ông bảo, theo quy chế an toàn của Liên Xô làm như vậy là mạo hiểm, không bảo đảm an toàn, ông không dám quyết.
Tôi lại sang gặp ông Tổng giám đốc Đ.G.Mameđov. Sau khi nghe tôi trình bày, ông cũng phân vân, nhưng nếu không làm như vậy thì không đưa các cẩu kiện siêu trường, siêu trọng vào bãi lắp ráp được mà cũng không giải phóng được tàu hàng.
Ông cùng tôi xuống cảng. Sau khi nghe báo cáo lại, ông đồng ý cho làm thử. Ông Đ.G.Mameđov, E.X.Staturov và tôi cùng trực tiếp theo dõi cùng anh em. Anh Nguyễn Quang Thọ kiểm tra xe cẩu và dặn dò tài xế, anh Nguyễn Đức Hiển dẹp lối đi cho xe di chuyển, kỹ sư cơ khí Đỗ Minh Hòa điều khiển xe đầu tiên nâng cấu kiện nhẹ hơn để rút kinh nghiệm. Cẩu nâng cấu kiện xe lui vào; hai cẩu hạ dần độ cao nhưng vẫn giữ một phần trọng lượng cấu kiện, anh Hòa điều khiển xe chạy lại cẩu, xe dần dần rời vị trí, thế là vận chuyển an toàn từ bến cảng vào bãi lắp ráp dài hơn 100 mét.
Cầu cảng dịch vụ
Mọi người thở phào, ông Tổng giám đốc và Phó tổng giám đốc bắt tay chúng tôi và cảm ơn sự sáng tạo của các bạn Việt Nam. Theo đề nghị của ông Đ.G.Mameđov, ngày 1-7-1982, Tổng cục Dầu khí đã chuyển giao đội bốc xếp (lúc này có hơn 100 người), ban quản lý cảng và bộ phận kho bãi cùng với tất cả trang thiết bị, phương tiện, hệ thống, kho, bãi cầu cảng, nhà điều hành của Xí nghiệp Dịch vụ dầu khí sang cho Xí nghiệp Liên doanh Dầu khí Việt-Xô.
Những năm tháng đầu tiên làm dịch vụ dầu khí là như thế, dù vô vàn khó khăn gian khổ, nhưng dịch vụ dầu khí đã dần hình thành và từng bước phát triển, trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn, rất quan trọng trong hoạt động dầu khí, đáp ứng yêu cầu của các doanh nghiệp trong ngành Dầu khí, cho các công ty dầu khí nước ngoài hoạt động ở thềm lục địa Việt Nam, đồng thời vươn ra quốc tế.
Lê Quang Trung
(Theo petrotimes.vn)