Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam: 44 năm đồng hành, phát triển cùng đất nước

1129 lượt xem

Ngày 3-9-1975, Hội đồng Chính phủ ban hành Nghị định số 170/CP về việc thành lập Tổng cục Dầu mỏ và Khí đốt Việt Nam (nay là Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam). Đã 44 năm kể từ sự kiện này, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam đã vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, phát triển không ngừng, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và trở thành đầu tàu kinh tế trong xây dựng và phát triển đất nước.

Ngay sau khi miền Bắc hoàn toàn giải phóng, Chủ tịch Hồ Chí Minh với tầm nhìn chiến lược của một thiên tài đã hình dung và đặt mục tiêu phải xây dựng được ngành công nghiệp dầu khí mạnh để làm nền tảng, động lực cho công nghiệp hóa và phát triển kinh tế đất nước. Với sự ra đời của Tổng cục Dầu mỏ và Khí đốt Việt Nam, hoạt động dầu khí đã được triển khai mạnh mẽ trên cả nước, từ khu vực đồng bằng sông Hồng ra đến thềm lục địa phía Nam và đã có nhiều phát hiện dầu khí ở cả trên đất liền và ở thềm lục địa.
Suốt 44 năm hình thành và phát triển, tập thể cán bộ, người lao động Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (Petrovietnam) luôn nỗ lực, phấn đấu, đoàn kết một lòng vượt qua những khó khăn, gian khổ phát huy tiềm năng, nguồn lực để xây dựng và phát triển ngành Dầu khí xứng đáng với niềm tin và ước vọng của Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc sinh thời.
Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam: 44 năm đồng hành, phát triển cùng đất nước

Giàn PQP-HT 1 tại dự án Biển Đông 01

Những bước phát triển của Petrovietnam nói riêng và ngành Dầu khí nói chung đã góp phần tạo chuyển biến cho nền kinh tế đất nước. Đến nay, ngành Dầu khí đã khai thác được gần 400 triệu tấn dầu và 150 tỷ m3 khí, đáp ứng nhu cầu năng lượng cho sản xuất 170 tỷ kWh điện (chiếm khoảng 15% tổng công suất lắp đặt và 30% tổng sản lượng điện cả nước). Bên cạnh đó, Tập đoàn đã sản xuất khoảng 55 triệu tấn sản phẩm xăng dầu (chiếm 33% tổng nhu cầu cả nước).
Trong giai đoạn 2006 – 2015, ngoài các thành công quan trọng mà Tập đoàn đạt được trong lĩnh vực tìm kiếm thăm dò và khai thác dầu khí, hàng năm Petrovietnam đóng góp trung bình 20 – 25% tổng thu ngân sách nhà nước, 18-25% GDP cả nước; đặc biệt Tập đoàn đã thực hiện thành công và đưa vào vận hành 3 cụm dự án/dự án trọng điểm quốc gia về Dầu khí, đó là: Cụm Khí – Điện – Đạm Cà Mau; Cụm Khí – Điện – Đạm Đông Nam bộ và dự án Nhà máy Lọc dầu Dung Quất; các Cụm dự án/dự án này đang hoạt động hết sức hiệu quả không những về mặt kinh tế mà có đóng góp to lớn cho phát triển kinh tế – xã hội nói chung của đất nước và phát triển kinh tế – xã hội của các địa phương nơi có dự án vận hành.
Từ năm 2015 đến nay, trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước gặp nhiều khó khăn, giá dầu giảm mạnh, nhiều thách thức ảnh hưởng tiêu cực tới mọi mặt hoạt động của Petrovietnam. Tuy nhiên, với sự quan tâm, chỉ đạo của các cấp lãnh đạo, cùng sự nỗ lực, cố gắng của tập thể cán bộ, đảng viên, công nhân viên Tập đoàn, Petrovietnam đã vượt qua khó khăn, đạt được nhiều thành tích khích lệ. Trong giai đoạn này, hàng năm, nộp ngân sách nhà nước của Tập đoàn chiếm tỷ trọng 9-11% tổng thu ngân sách chung của nhà nước và chiếm 16,5-17% tổng thu ngân sách Trung ương. Riêng nộp ngân sách nhà nước từ dầu thô chiếm 5-6% tổng thu ngân sách chung của nhà nước và 7-9% tổng thu ngân sách Trung ương. Cùng với đó, Tập đoàn đã đóng góp cho GDP cả nước trung bình hằng năm là 10-13%.
Hiện nay, Petrovietnam đã xây dựng được hệ thống công nghiệp dầu khí hoàn chỉnh, đồng bộ từ tìm kiếm thăm dò khai thác dầu khí đến phát triển công nghiệp khí – điện – chế biến và dịch vụ dầu khí, góp phần quan trọng đảm bảo an ninh năng lượng đất nước. Trong đó, lĩnh vực tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí là lĩnh vực cốt lõi. Tập đoàn đã và đang triển khai thực hiện 62 hợp đồng dầu khí trong nước (phủ hầu hết diện tích vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của thềm lục địa Việt Nam). Những hoạt động tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí trên thềm lục địa Việt Nam của Petrovietnam cũng góp phần tham gia bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển. Bên cạnh đó, với việc triển khai các hợp đồng dầu khí ở nước ngoài, Petrovietnam cũng là tập đoàn tiên phong trong hợp tác, hội nhập quốc tế và mở rộng đầu tư ra nước ngoài với việc triển khai 11 hợp đồng dầu khí ở nước ngoài, tại 09 quốc gia/vùng lãnh thổ. Hằng năm, lĩnh vực tìm kiếm, thăm dò khai thác dầu khí đóng góp khoảng 36% tổng doanh thu, 60,5% tổng nộp ngân sách nhà nước của toàn Tập đoàn.
Petrovietnam hiện đang vận hành 5 hệ thống đường ống dẫn khí lớn gồm: Đường ống dẫn khí Bể Cửu Long – Dinh Cố – Phú Mỹ, cung cấp khí cho các hộ tiêu thụ công nghiệp và dân dụng khu vực Đông Nam bộ; Đường ống Nam Côn Sơn 1 cung cấp khí cho các hộ tiêu thụ công nghiệp và dân dụng khu vực Đông Nam bộ; Đường ống Nam Côn Sơn 2 giai đoạn 1 cung cấp khí cho các hộ tiêu thụ công nghiệp và dân dụng khu vực Đông Nam bộ; Đường ống PM3 CAA – Cà Mau: cung cấp khí cho các hộ tiêu thụ công nghiệp và dân dụng khu vực Tây Nam Bộ và đường ống Hàm Rồng – Thái Bình cung cấp khí cho các hộ tiêu thụ công nghiệp và dân dụng khu vực Bắc bộ. Các đường ống dẫn khí của Tập đoàn hàng năm cung cấp gần 9-11 tỷ m3 khí, đáp ứng sản xuất khoảng 35% sản lượng điện quốc gia, 70% sản lượng đạm và 70-80% khí cho các hộ tiêu thụ dân dụng của cả nước.
Đối với lĩnh vực chế biến dầu khí, Petrovietnam hiện đang vận hành thương mại các công trình trọng điểm dầu khí như Nhà máy lọc dầu (NLMD) Dung Quất, các Nhà máy sản xuất phân đạm Phú Mỹ và Cà Mau, Liên hợp Lọc Hóa dầu Nghi Sơn… Hàng năm, lĩnh vực chế biến dầu khí đóng góp khoảng 20% tổng doanh thu, 13% nộp ngân sách nhà nước của toàn Tập đoàn. Đặc biệt, tổng sản lượng xăng cung cấp ra thị trường từ NMLD Dung Quất và Liên hợp Lọc Hóa dầu Nghi Sơn  đáp ứng được khoảng 80- 85% nhu cầu xăng dầu nội địa. Bên cạnh đó, hai nhà máy Đạm Cà Mau và Đạm Phú Mỹ với tổng công suất vào khoảng 1,6 triệu tấn phân đạm (urê)/năm, đảm bảo cung cấp hơn 70% nhu cầu phân đạm của cả nước.
Kể từ năm 2007, với việc ra đời Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam, lĩnh vực Điện cũng trở thành 1 trong 5 lĩnh vực sản xuất chính của Petrovietnam. Hiện tại, Tập đoàn đang vận hành 7 nhà máy điện với tổng công suất lắp đặt đạt 4.214 MW, chiếm 12% tổng công suất các nhà máy điện của cả nước. Petrovietnam cùng là nhà sản xuất điện khí lớn nhất của đất nước với quy mô công suất các nhà máy nhiệt điện khí đạt 2.700MW. Tính đến hết năm 2018, Petrovietnam đã đạt mốc sản xuất hơn 170 tỷ kWh điện và là nhà cung cấp điện năng lớn thứ 2 của đất nước, đóng góp quan trọng vào việc đảm bảo an ninh năng lượng để phát triển kinh tế – xã hội, an ninh, quốc phòng của đất nước.
Trong mục tiêu phát triển của ngành dầu khí những năm tới, công tác dịch vụ đóng vai trò quan trọng, có mặt và tham gia vào tất cả các khâu tìm kiếm, thăm dò, khai thác, chế biến, vận chuyển, tàng trữ và phân phối của ngành Dầu khí.
Với mục tiêu đó, Petrovietnam đã từng bước xây dựng và phát triển lĩnh vực dịch vụ dầu khí đồng bộ với tất cả loại hình dịch vụ như: khảo sát địa chấn; khoan, dịch vụ khoan, khảo sát thiết kế, xây lắp các công trình dầu khí; dịch vụ cảng, bến bãi; kiểm định, bảo dưỡng các công trình dầu khí; sửa chữa, đóng mới phương tiện nổi dầu khí; dịch vụ khoa học, đào tạo; dịch vụ bảo hiểm,…
Tập đoàn đã xây dựng được cơ sở vật chất kỹ thuật hiện đại, đủ năng lực để tự thực hiện các dự án, công trình trọng điểm, chủ động hơn trong công tác triển khai đầu tư và kiểm soát tiến độ các dự án; xây dựng được đội ngũ làm công tác dịch vụ có năng lực và trình độ chuyên môn cao, đủ khả năng vận hành và thực hiện các dự án, công trình có quy mô lớn, công nghệ cao .
Bên cạnh việc đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh, công tác an sinh xã hội luôn được tập thể lãnh đạo, cán bộ công nhân viên Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam quan tâm, coi đó là nhiệm vụ chính trị quan trọng, là trách nhiệm, tình cảm của những người lao động dầu khí đối với cộng đồng, với xã hội. Mỗi người lao động dầu khí đều tích cực tham gia các hoạt động để có được nguồn thu, đóng góp cho các quỹ từ thiện xã hội, cho người nghèo, cho đồng bào ở khu vực miền núi, biên giới, hải đảo và các gia đình chính sách gặp hoàn cảnh khó khăn.
Có thể khẳng định rằng, trong những năm qua, tập thể lãnh đạo, cán bộ, người lao động Dầu khí đã không ngừng nỗ lực từ những sơ khai ban đầu để xây dựng và phát triển được một hệ thống công nghiệp dầu khí hoàn chỉnh, đồng bộ. Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam nói riêng, ngành Dầu khí nói chung đã thực hiện được ý nguyện của Bác Hồ, chiến lược của Đảng và Nhà nước, trở thành biểu tượng năng lượng, đồng hành cùng sự phát triển đất nước.

H.A